Về ATK Định Hoá xem nuôi dê
Đáng chú ý dự án “Phát triển chăn nuôi dê” do Hội Nông dân tỉnh chủ trì từ năm 2013 bước đầu đạt kết quả tốt, giúp nhân dân giảm nghèo bền vững.
Nuôi dê chê nuôi lợn
Năm 2013, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên lựa chọn xã Trung Hội để thực hiện dự án này. Trung Hội là 1 trong 4 xã của huyện Định Hoá được chọn là xã điểm xây dựng NTM. So với các xóm, xã khác trên địa bàn, xã Trung Hội có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều bãi chăn thả lớn, diện tích đất canh tác, thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp với chăn nuôi dê; một số hộ có sẵn chuồng trại, người dân địa phương đã có kinh nghiệm chăn nuôi dê.
Sau 1 năm triển khai thực hiện dự án, nhiều hộ dân đã có lãi hàng chục triệu đồng, thoát nghèo và thậm chí khá giả nhờ nuôi dê. Bà Ma Thị Dân, xóm Làng Mố vừa cười vừa nói mãi không chán về chuyện nuôi dê. Bà Dân là một trong những hộ đầu tiên được tham gia dự án. Với số vốn vay ưu đãi gồm 30 triệu đồng, lãi suất 0,8%/tháng, thời hạn 2 năm, gia đình đã bỏ ra 20 triệu mua 10 dê giống, số tiền còn lại đầu tư nuôi lợn nái và lợn thịt.
Bà Dân cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện và xã phổ biến kỹ thuật khuyến nông, kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích. May mắn là tại địa phương từ lâu đã có phong trào nuôi dê nên các hộ tham gia dự án có điều kiện học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi và nhanh chóng vào cuộc.
Bà Dân cho biết: “Dê là loài động vật ăn tạp, hầu như tất cả các loại lá cây rừng đều có thể là thức ăn của chúng. Dê cũng có sức đề kháng cao, ít bị ốm, chịu khó tự kiếm ăn nên phù hợp với chăn thả trong rừng trồng của gia đình, không cần thức ăn tinh bổ sung nên chăn nuôi không vất vả và tốn kém gì”.
Thực tế, từ đàn 10 con dê giống ban đầu, đến nay đã nhân đàn thành 25 con, gia đình bà Dân mới xuất bán 10 con được trên 30 triệu đồng. Bà Dân tính chi li, nuôi dê cho lãi cực cao, nhu cầu thị trường lớn, với mức giá 120 -130 ngàn đ/kg chỉ cần bấm máy là tư thương vào tận chuồng thu mua. Trong khi đó chi phí chăn nuôi cực thấp, với đàn dê vài chục con chỉ cần 1 người trông coi mỗi ngày 1 buổi, mùa ít cỏ thì thả khoảng 4 giờ, mùa nhiều cỏ chỉ cần thả vào rừng khoảng 2 - 3 giờ là dê đã no căng bụng, tự tìm về chuồng. Dê nái có thể sinh đến 2 lứa/năm, mỗi lứa 1 - 2 dê con, thời gian dê con trưởng thành mất khoảng 6 tháng, đạt trọng lượng xuất bán từ 30 - 35 kg/con.
Ngoài tiền giống, nuôi dê rất ít tốn kém, dê chỉ “ăn cỏ, uống nước lã” để đem lợi nhuận cho người chăn nuôi. Về chuồng trại cũng không không đòi hỏi đầu tư lớn, chỉ cần diện tích nhỏ, tận dụng cây que có sẵn, nhưng phải đảm bảo đủ ánh sáng, cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè và tránh được gió mùa đông.
Tuy dễ nuôi, dê cũng dễ nhiễm bệnh, nhất là bị chướng bụng do rối loạn tiêu hoá. Đặc biệt loài dê kỵ các loại phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Bà Dân kể có con dê đực đầu đàn rất khôn, mua đến 5 triệu đồng, phối giống rất tốt, nhưng chỉ sau một buổi ăn phải lá cây có bón phân đạm đã bị chết. Ngoài ra dê còn dễ mắc các bệnh như rụng lông rồi bỏ ăn, thối móng, thậm chí chỉ cần bị xây xước da là có thể nhiễm trùng dẫn đến tử vong.
Bà Dân cho hay: "Hồi mới nuôi dê luôn phải chú ý trông coi chó, vì chó hay cắn dê. Không hiểu sao loài chó rất ghét dê, hễ cứ thấy là cắn, mà dê bị chó cắn mấy hôm là lăn ra chết. Dê ít nhiễm bệnh nhưng lại dễ chết, chủ nuôi chỉ cần đôi chút lơ là chúng sẽ chết hàng loạt".
Ngoài thuốc tiêm có bán tại các cửa hàng thú y, các hộ nuôi dê tích cực giữ vệ sinh chuồng trại, thường xuyên quét vôi khử trùng. Kinh nghiệm truyền nghề về thuốc chữa “bách bệnh” cho dê của các hộ dân ở Định Hoá là… muối trắng. Dê chướng bụng cho uống nước muối loãng, dê rụng lông pha nước muối cho uống. Thậm chí làm các ống tre đựng đầy muối treo tại chuồng cho dê “nhấm nháp”. Anh Ma Văn Hào, xóm Làng Vầy cho biết, mỗi ngày đàn dê 10 con của nhà “ăn vã” hết 0,5 kg muối.
Ông Ma Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hội cho biết: “Dê nuôi tại địa phương gồm giống dê cỏ, trọng lượng tối đa khoảng 30 - 35 kg/con trưởng thành và dê lai trọng lượng lên tới 45 - 50 kg, đều dễ tiêu thụ như nhau. Các hộ tham gia dự án rất tích cực tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi dê, không chỉ để áp dụng hiệu quả cho gia đình mà còn sẵn sàng chia sẻ cho nhiều hộ khác cùng chăn nuôi hiệu quả.
Thực tế mô hình này đang được nhân rộng phát huy hiệu quả kinh tế cao, bởi vốn đầu tư ít, chăn nuôi không tốn kém, dê thương phẩm có thị trường tiêu thụ rộng lớn, được giá khá cao, nên khi nhân rộng tại địa phương sẽ tạo ra một hướng phát triển kinh tế mới cho hội viên nông dân trong xã”. Khẳng định dê chính là “con mũi nhọn” để phát triển kinh tế hộ, bà Ma Thị Dân so sánh với mô hình nuôi lợn thịt của gia đình: "Nuôi lợn đầu tư vào chuồng trại, giống, thức ăn, thuốc thú y... gần 10 con, đạt trọng lượng từ 70 - 100 kg nhưng không có đầu ra. Mặc dù đã chịu lỗ và bán giá dưới 40.000 đ/kg nhưng thương lái vẫn từ chối thu mua vì thị trường quá bão hòa.
Trong khi đó, dê có giá trung bình từ 120 - 130 ngàn đồng/kg, cá biệt tới 140 ngàn, mà chỉ cần bán với giá 70 ngàn đồng cũng đã có lãi. Tôi đã quyết tâm bỏ hẳn nuôi lợn để tập trung phát triển đàn dê. Với 2 ha rừng trồng, đảm bảo đủ thức ăn cho đàn dê từ 40 - 50 con".
Phát triển đàn dê
Ông Ma Ngọc Hạnh cho biết, do địa hình xã có nhiều đồi núi, thời tiết khí hậu thuận lợi nên Trung Hội có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê... Đặc biệt là những năm gần đây, nhận thấy chăn nuôi dê có nhiều ưu điểm như vốn đầu tư ban đầu không cao lắm; chăn nuôi không tốn kém nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi thị trường tiêu thụ luôn ổn định nên nhiều hộ dân đã đầu tư chăn nuôi dê, phát triển số lượng đàn.
"Căn cứ vào tiềm năng của địa phương và nhu cầu của người dân, xã sẽ đề xuất tiếp tục dự án, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi dê. Đồng thời, xã sẽ tiếp tục quan tâm làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền vận động nhân dân tận dụng ưu thế có đồng cỏ rộng để phát triển chăn nuôi dê", ông Hạnh nói.
Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hoá: Định Hoá là huyện miền núi, phù hợp cho việc phát triển ngành chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá bền vững.
Tuy nhiên, chăn nuôi đại gia súc vẫn còn chưa phát triển, nguyên nhân chủ yếu do các tập tục lâu đời của người dân địa phương là chăn thả rông gia súc, ảnh hưởng đến năng suất vật nuôi...
Phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản phẩm từ ngành chăn nuôi - thủy sản toàn huyện ước đạt trên 650 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng giá trị SXNN trên toàn huyện, UBND huyện thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi - thủy sản giai đoạn 2011-2015, với số vốn cho vay trên 5,4 tỷ đồng.
Đến năm 2013, toàn huyện có thêm 68 gia trại, 8 trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm và 8 mô hình nuôi cá ao theo hướng bán thâm canh.
Cùng với đó, huyện đã đề ra nhiều chính sách tạo môi trường thuận lợi cho người dân phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại theo hướng công nghiệp, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, định hướng cho nông dân từng bước chuyển đổi hình thức chăn nuôi, xây dựng các mô hình chăn nuôi tiên tiến, các trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường.
Nguồn tin: Nông nghiệp VN (ĐỒNG VĂN THƯỞNG)